-->
đánh máy vi tính

Phương pháp dịch Việt - Anh cơ bản

Bài này tôi xin mạn phép viết phỏng theo cuốn "Phương pháp cơ bản dịch Việt-Anh và ngữ pháp" của tác giả Nguyễn Thanh Lương (Nhà xuất bản Đồng Nai, 2001). Bạn nên tìm cuốn sách này để nghiền ngẫm. Rất bổ ích.

THÀNH PHẦN CỦA MỘT CÂU

Một câu gồm có chủ ngữ và vị ngữ. Điều này ai cũng biết. Do đó, một câu đúng tất yếu phải được hình thành từ chủ ngữ đúng và vị ngữ đúng.
"Chủ ngữ đúng" là một cụm danh từ được hình thành đúng. Nói căn nhà hay căn nhà kia, hay căn nhà yên tĩnh kia,hay căn nhà yên tĩnh kia ở cuối đường thì cũng là nói tới căn nhà mà thôi. kiayên tĩnh hay ở cuối đường chỉ có nhiệm vụ bổ nghĩa cho căn nhà. Cho nên ta nói các cụm từ trên đều là cụm danh từ, vì chúng có chức năng như danh từ.

Những câu sau sai trước hết vì cụm danh từ làm chủ ngữ sai:
  • Dog is smart.
  • Vegetable is better than meat.
  • Those book look interesting.
  • House over there is mine.
  • Many childs are playing in the yard.
  • A umbrella is what I need.
  • An university is going to be built next year.
  • High salary isn't the only thing that matters in a job.
  • Cars fast are expensive.
  • Those two alike girls are sisters.
  • A lot money was spent.
  • Bottles milk are lying everywhere.

(Thử xem bạn nhìn ra được các lỗi sai không.)


"Vị ngữ đúng" là một cụm động từ được hình thành đúng. Chẳng hạn, nghenghe nhạc, và nghe nhạc một cách say sưa là các cụm động từ, vì hành động cốt yếu trong cả ba cụm trên là nghe. Những từ ngữ còn lại chỉ có chức năng bổ nghĩa.

Các câu sau sai là do cụm động từ làm vị ngữ sai:
  • She take her children to school every day.
  • We ask him do it, but he said no.
  • This shirt feels very softly.
  • This food smells badly. Don't eat it!
  • I'm scare of English grammar.
  • David looks angrily.
  • She looked at me angry.
  • He's usually stressful after work.

PHƯƠNG PHÁP DỊCH CƠ BẢN

Trước hết, bạn khó có thể dịch đúng nếu không có các kiến thức cơ bản sau:
  • Ngữ pháp của các từ loại
  • Các thì trong tiếng Anh
  • Thể bị động
Khuyên bạn nên ôn lại nếu chưa nắm rõ.

Sau khi đã nắm rõ thì bạn làm theo các bước sau để dịch một câu từ Việt sang Anh:

Bước 1: Phân tích câu cần dịch.
a) tìm chủ ngữ và vị ngữ đơn giản
b) xác định  thì hợp lí (hiện tại? quá khứ? v.v.) và thể hợp lí (chủ động hay bị động?)
c) xác định mẫu câu cơ bản sẽ dùng

Bước 2: Dịch câu có chủ ngữ và vị ngữ đơn giản đã xác định ở bước 1.

Bước 3: Dịch riêng lẻ các yếu tố mô tả (các yếu tố bổ nghĩa cho từ ngữ khác trong câu cần dịch).

Bước 4: Áp dụng Quy tắc tương cận (xem các ví dụ sẽ rõ).

Bước 5: Đọc đi đọc lại để rà soát lỗi chính tả, lỗi từ vựng, lỗi ngữ pháp, lỗi về dùng từ, v.v. Thử dịch ngược từ Anh sang Việt xem có đúng ý câu cần dịch không.


(Đối với những câu ngắn gọn, có thể chỉ làm các bước 1, 2, và 5.)


Ví dụ 1: Phong trào chống chiến tranh hạt nhân đang lan rộng khắp thế giới.

Bước 1: Phân tích câu.

a) chủ ngữ đơn giản:  phong trào, vị ngữ đơn giản: đang lan rộng
b) câu cần dịch có "đang" nên ta dùng thì hiện tại tiếp diễn (hoặc quá khứ tiếp diễn) và thể chủ động
c) dùng mẫu câu:

                  DANH TỪ                              +   NỘI ĐỘNG TỪ   +   TRẠNG NGỮ
Phong trào chống chiến tranh hạt nhân   +    đang lan rộng   +   khắp thế giới.

"Trạng ngữ" còn gọi là cụm trạng từ. Chắc bạn cũng đã đoán được nó là cụm từ có chức năng như Trạng từ.


Bước 2: Dịch câu có chủ ngữ và vị ngữ đơn giản.
"Phong trào đang lan rộng." → The movement is spreading.

Bước 3: Dịch các yếu tố mô tả
• "chống chiến tranh hạt nhân" (bổ nghĩa cho phong trào) → against nuclear war
• "khắp thế giới" (bổ nghĩa cho lan rộng) → throughout the world

Bước 4: Áp dụng Quy tắc tương cận, tức là đặt yếu tố mô tả gần từ ngữ mà nó bổ nghĩa.


Ví dụ 2: Vệ tinh được đưa lên không gian hôm qua là một vệ tinh khí tượng.

Bước 1:
a) chủ ngữ đơn giản:  vệ tinh, vị ngữ đơn giản: là một vệ tinh khí tượng.
b) chữ "là" ở đây có thể dùng thì hiện tại đơn hoặc quá khứ đơn. Dùng thể chủ động.
c) dùng mẫu câu:

                      DANH TỪ                              +  BE   +          DANH TỪ
Vệ tinh được đưa lên không gian hôm qua +   là    +  một vệ tinh khí tượng.

Bước 2:
"Vệ tinh [đã xác định] là một vệ tinh khí tượng." → The satellite is/was a weather one.

Bước 3:
• "được đưa lên không gian hôm qua" (bổ nghĩa cho chủ ngữ vệ tinh) → sent into space yesterday

Bước 4: Áp dụng Quy tắc tương cận.


Ví dụ 3: Các nạn nhân trong vụ tai nạn hôm qua được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.

Bước 1:
a) chủ ngữ đơn giản:  các nạn nhân, vị ngữ đơn giản: được đưa
b) đây là sự việc đã xảy ra và chấm dứt → dùng thì quá khứ đơn và dùng thể bị động ("được đưa")
c) dùng mẫu câu:

                     DANH TỪ                           +   NGOẠI ĐỘNG TỪ  +                     TRẠNG NGỮ
Các nạn nhân trong vụ tai nạn hôm qua  +      được đưa         +    đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.

Bước 2:
"Các nạn nhân [đã xác định] được đưa." → The victims were taken.

Bước 3:
• "trong vụ tai nạn hôm qua" (bổ nghĩa cho các nạn nhân) → in the accident yesterday
• "đến bệnh viện" (bổ nghĩa cho được đưa) → to the hospital
• "trong tình trạng nguy kịch" (bổ nghĩa cho được đưa) → in critical condition

Bước 4: Áp dụng Quy tắc tương cận.


Ví dụ 4: Chuyền bóng cho Gomez, Figo nhảy lùi lại.

Bước 1:
a) chủ ngữ đơn giản:  Figo, vị ngữ đơn giản: nhảy lùi lại
b) đây là sự việc đã xảy ra và chấm dứt → dùng thì quá khứ đơn ở thể chủ động
c) dùng mẫu câu:

                                        DANH TỪ      +   ĐỘNG TỪ   + TRẠNG NGỮ
(Chuyền bóng cho Gomez,)   Figo        +      nhảy         +      lùi lại.

Bước 2:
"Figo nhảy lùi lại." → Figo jumped back.

Bước 3:
• "chuyền bóng cho Gomez" (bổ nghĩa cho Figo) → passing the ball to Gomez

Bước 4: Áp dụng Quy tắc tương cận.


Ví dụ 5: Chính phủ đã chấp thuận đề án xây dựng một sân bay mới.

Bước 1:
a) chủ ngữ đơn giản:  chính phủ, vị ngữ đơn giản: đã chấp thuận đề án
b) có thể dùng thì quá khứ đơn (để nói đến sự kiện quá khứ đơn thuần) hoặc thì hiện tại hoàn thành (để nhấn mạnh kết quả và tính nóng hổi của việc chấp thuận đề án). Dùng thể chủ động.
c) dùng mẫu câu:

DANH TỪ    +   NGOẠI ĐỘNG TỪ  +                TÂN NGỮ
Chính phủ    +       đã chấp thuận    +    đề án xây dựng một sân bay mới.

Bước 2:
"Chính phủ đã chấp thuận đề án." → The government has approved the project.

Bước 3:
• "xây dựng một sân bay mới" (bổ nghĩa cho đề án) → to build a new airport

Bước 4: Áp dụng Quy tắc tương cận.



Bài sau chúng ta sẽ nói đến các mẫu câu cơ bản để có thể áp dụng các bước trên.

Xem thêm: Tầm quan trọng của hiệu đính bản dịch
NHẬN XÉT ()